Hậu Cô Vy: Định vị “vùng xanh” đầu tư địa ốc như thế nào?

2021-09-27

Hậu Cô Vy: Định vị “vùng xanh” đầu tư địa ốc như thế nào?

 

Tuy diễn biến của Covid-19 hiện vẫn đang phức tạp, nhưng các doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư bất động sản nói riêng đều có sự chuẩn bị kế hoạch hành động sau khi dịch được kiểm soát, vì vậy, việc định vị “vùng xanh” đầu tư địa ốc là vấn đề được quan tâm.

 

Nguồn cung biệt thự, nhà phố: giảm 75%

Trong vài năm gần đây, nguồn cung bất động sản tại TP.HCM có xu hướng giảm sút và tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2021, cụ thể nguồn cung căn hộ giảm 9%, nhà phố và biệt thự giảm tới 75% so với cùng 2020. Ở chiều ngược lại, giá bán tăng trung bình 16% ở tất cả các phân khúc (báo cáo của CBRE Việt Nam).

“Nguồn cung giảm, giá tăng, trong khi nhu cầu ở thực cũng như đầu tư bất động sản ở thị trường TP.HCM luôn rất lớn, nên khả năng bán tháo hay giảm giá sâu rất khó diễn ra” - phó giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án CBRE Việt Nam, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhấn mạnh. 

Theo giới chuyên gia, khi nhu cầu nhà ở luôn vượt gấp nhiều lần nguồn cung thì giá nhà tăng là kết quả tất yếu. Song, cũng do giá tăng quá cao nên câu chuyện đầu tư bất động sản tại thị trường TP.HCM bắt đầu xuất hiện rủi ro dẫn đến khả năng thị trường sẽ hình thành một xu hướng mới về nhu cầu nhà ở thực cũng như nhu cầu đầu tư địa ốc trong thời gian tới. 

Cơ hội từ cực tăng trưởng mới

Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang nói, trước hết phải đo được nhu cầu và dòng tiền của thị trường, khi giai đoạn 2015 - 2020, dòng tiền có xu hướng tập trung vào thị trường TP.HCM, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay đã mang một hình thái mới với giá tăng cao, lan sang các khu vực lân cận. 

Xét về yếu tố thời điểm: Dù thị trường đang gặp trở ngại do dịch, nhưng cũng là thời điểm thích hợp để xem xét việc đầu tư, bởi tuy không có hiện tượng đua nhau bán gấp, nhưng vẫn có trường hợp nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên chấp nhận bán giá thấp hơn so với mặt chung hiện thời.

Xét về dòng sản phẩm: Dịch làm thay đổi xu hướng đầu tư hiện tại và trong thời gian tới, bất động sản nhà vườn, bất động sản nghỉ dưỡng và các phân khúc đất nền sẽ là những phân khúc được quan tâm nhất - ông Quang dự báo. 

Cơ hội từ góc độ quy hoạch

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch TP.HCM PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa đánh giá: nhu cầu nhà ở tại TP.HCM luôn là thị trường có sức cầu lớn nhất tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay,  sự quá tải đô thị ở TP.HCM ngày càng lớn, quỹ đất cũng trở nên khan hiếm khiến giá nhà đất tăng ngày càng cao. Vì thế, xu hướng giãn dân đô thị sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo đó, hiện nay, TP.HCM có 2 cực tăng trưởng lớn:

  • Khu vực cực Tây Bắc Thành phố: có lợi thế quỹ đất còn nhiều với Hóc Môn và Củ Chi.
  • Khu vực cực Đông Bắc Thành phố: có địa thế đất cao, ít bị ngập, xử lý hạ tầng và kỹ thuật xây dựng đơn giản hơn, tiếp giáp với các tỉnh trọng điểm của Đông Nam Bộ, và có TP.Thủ Đức được quy hoạch trở thành thành phố thông minh, vô cùng phù hợp cho xu thế giãn dân sắp tới.

Từ những yếu tố quan trọng trên, công tác quy hoạch đô thị, cực Đông Bắc TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đặc biệt được chú trọng, thông qua sự đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông khu vực với hàng loạt dự án như:

  • Tuyến metro số 1 nối trung tâm TP.HCM với TP. Thủ Đức, sắp tới sẽ nối với Biên Hòa của Đồng Nai và Tân Vạn của Bình Dương.
  • Các trục hạ tầng nối Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… với sân bay Long Thành; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa; cảng Cái Mép,… 
  • Các tuyến vành đai 1, 2, 3 và 4 cũng đang được khẩn trương đầu tư xây dựng. Đặc biệt, tuyến vành đai 4 kết nối với 6 địa phương phía Nam sẽ trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển kinh tế liên vùng và thị trường bất động sản khu vực phía Nam.

 

Có thể thấy, nhiều cơ hội vẫn đang mở ra đối với thị trường bất động sản hiện nay, điều quan trọng và tiên quyết là các doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nói riêng phải chuẩn bị thật kỹ kế hoạch hành động và nhanh chóng bắt lấy thời cơ kịp thời. 

 

 

Liên hệ

Nhắn tin cho PiHome qua Facebook
Nhắn tin cho PiHome qua zalo