Tương lai nào cho các doanh nghiệp bất động sản hậu Cô Vy?

2021-10-06

Tương lai nào cho các doanh nghiệp bất động sản sau dịch?

 

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài đi cùng các quy định về phòng chống dịch khiến con số nhà môi giới bất động sản thất nghiệp lên hàng nghìn và vẫn tiếp tục tăng, các doanh nghiệp bất động sản dần kiệt sức, thậm chí một số có nguy cơ bị phá sản nếu không được hỗ trợ kịp thời. 

 

Trong suốt 4 tháng, thị trường bất động sản liên tục gặp nhiều trở ngại, thử thách, đặc biệt là tại các tỉnh thành có diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Nhiều dự án đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán, tiếp xúc, tư vấn khách hàng không thể được thực hiện khiến doanh nghiệp không có doanh thu. 

 

Lĩnh vực bất động sản với đặc thù làm việc trực tiếp (mở bán giới thiệu sản phẩm, thi công tại công trường, xử lý giấy tờ pháp lý,...) thì việc sử dụng công nghệ để thực hiện chỉ có thể là biện pháp tạm thời chống đỡ chứ không mang lại hiệu quả thực tế. Bên cạnh đó, “các doanh nghiệp có dự án bất động sản ở địa phương thì việc liên hệ, đi lại, và thực hiện thi công dự án đều rất khó khăn khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách. Hơn nữa, chi phí xét nghiệm, thủ tục xin cấp giấy đi đường đều rất mất thời gian, và việc ngừng thi công công trình gây chậm tiến độ dự án khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc” -  ông Hoàng Hà Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nalico nói.

 

Theo ông Hoàng Hà Phương, để các doanh nghiệp có thể khôi phục, Chính phủ cũng cần đề ra cơ chế kích cầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong quá trình phục hồi. Có thể thấy, với tình hình khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản, yêu cầu cấp bách hiện nay là sự lắng nghe và các giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm vượt qua giai đoạn căng thẳng, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Đồng thời, những chính sách hỗ trợ như giãn, giảm thuế (thu nhập, VAT), giảm lãi suất vay, tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi hơn cũng cần được đề xuất với Chính phủ. 

 

Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ, sau gần 2 năm đồng hành với Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và nỗ lực chống chịu để tự cứu mình, đến nay có thể nhận thấy rõ rằng hầu hết các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng đã dần kiệt sức, thậm chí có một số doanh nghiệp lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt, nguồn lực bị bào mòn, có nguy cơ bị phá sản, nếu không được hỗ trợ kịp thời.

 

Nhận thấy tình thế cấp thiết đó, HoREA - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ. Theo đó, thay vì xin ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp bất động sản chỉ xin Nhà nước giúp tháo gỡ những bất cập về cơ chế chính sách và quy trình thủ tục hành chính nhằm tăng sức chống chịu để vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch. Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà nói riêng, cụ thể như giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/ năm đối với các khoản vay của các doanh nghiệp. 

 

Có thể thấy, tác động kéo dài của dịch bệnh gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Điều quan trọng doanh nghiệp cần làm hiện nay là phải đề ra những giải pháp kịp thời, phù hợp để nâng cao khả năng chống chịu, đồng thời đề xuất những biện pháp hợp lý với Chính Phủ nhằm nhận được sự hỗ trợ đúng nơi và đúng thời điểm.

 

Liên hệ

Nhắn tin cho PiHome qua Facebook
Nhắn tin cho PiHome qua zalo